Giá chỉ 30.000 đồng/chiếc, các loại móc khóa, đề can với hình dáng giống bộ phận sinh dục nam và cách điệu các tư thế "người lớn” đang được một bộ phận giới trẻ ưa chuộng, đặc biệt là… các teen nữ.


Mua móc khóa BCS để… nếu cần thì dùng

Bắt nguồn từ Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và gần đây đã xuất hiện tại Việt Nam, mốt “móc khóa có hình dáng giống chiếc bao cao su (BCS)” đang được một bộ phận giới trẻ đặc biệt ưa chuộng, đặc biệt là… các teen nữ.

Nhìn bên ngoài, móc khóa này không khác gì một chiếc BCS còn trong gói với rất nhiều màu sắc bắt mắt như đỏ, đen, xanh... Trên thân móc khóa ghi hẳn: “Condom – bao cao su” và có thêm dòng chữ “A hope together GIFT" (tạm dịch: chúng ta cùng hi vọng về món quà này”). Xé gói ra, bên trong là một chiếc BCS thực thụ, thậm chí ngoài vỏ còn đề kích cỡ hợp lý để chủ nhân có thể “sử dụng”.



Móc khóa làm bằng Bao cao su, mốt mới của teen Hà Thành.

“Anh hỏi móc khóa nhạy cảm hả? Mặt hàng hot đấy… shop em vừa hết. Nhưng nếu anh cần, để em hỏi bạn em xem”, cô nhân viên của Webshop (13 Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội) nhiệt tình giới thiệu khi chúng tôi hỏi mua loại móc khóa nói trên. Sau vài màn “chat yahoo” với cửa hàng khác cùng hệ thống tại 56 Phủ Doãn (Hoàn Kiếm, Hà Nội), cô nhân viên vui vẻ quay sang cho biết: “Còn hàng anh ạ”.

Giá của chiếc móc khóa này khoảng 30.000 đồng. Để giúp khách lựa chọn món hàng ưng ý, chủ nhân 9x của những mặt hàng này không ngần ngại bày ra trước mặt bạn một loạt móc khóa có mô hình giống hệt... BCS và giới thiệu "thật thà": “Loại này không có chất nhờn nên anh không được dùng nhé. Nó chỉ có ý nghĩa… giáo dục giới tính”.



Giới trẻ Việt ngày càng có những kiểu bộc lộ quan điểm khá... shock.

Ngọc Mai (17 tuổi, Đống Đa) kể, khi em mang cái này về, mẹ giật lấy và hỏi: “Con mang cái gì về thế này?". Mai giải thích đó là “BCS để dùng trong trường hợp… khẩn cấp”. Mặt mẹ không biến sắc, mẹ nói tỉnh bơ :“Cái này mà dùng thì rách ngay”. Từ lớp 10, Mai đã chia sẻ với mẹ về chuyện giới tính, mẹ của em là thạc sĩ đã từng du học ở Anh nên việc trao đổi những thông tin nhạy cảm giữa 2 con diễn ra khá thoải mái.


Móc khóa BCS hiện đang được bán chủ yếu ở các shop teen trên phố Đội Cấn, Núi Trúc, Quán Thánh… và rất được các teen nam, nữ ưa chuộng. Chủ một shop dành cho teen "bật mí": “Các bạn gái có khi còn mua nhiều hơn bạn nam”.


Ngoài móc khóa BCS, còn có loại móc khóa, đề can với các hình khối cách điệu “tư thế người lớn” màu trắng trên nền đen. Tuy nhiên, “hàng độc” này hiện chưa được bán đại trà trên thị trường Việt mà chỉ tồn tại dưới dạng hàng xách tay.


Vì sao teen thích chọn “phụ kiện nhạy cảm"?



Tại một quán cafe vỉa hè trên phố Nhà Chung (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), đang ngồi trò chuyện vui vẻ cùng đám bạn, không biết vô tình hay cố ý Tim (người Thái Lan - tên tự giới thiệu) đánh rơi chiếc móc khóa có hình dương vật với kích cỡ và màu sắc như thật. Rất nhiều người tròn xoe mắt, nhưng Tim bình thản: “Ở Thái, các bạn học sinh không ngại với đồ chơi như thế này, tất nhiên họ xem đây là món đồ chỉ để dùng để trang trí chứ… không có mục đích sử dụng nào khác”.



Một chú hổ với chiếc Linga trong móc xe wave của một nam sinh.

Không ai xác minh được lời nói của Tim để biết học sinh Thái thế nào nhưng có sự thật là hiện một bộ phận học sinh, sinh viên thủ đô rất hào hứng sưu tầm những "phụ kiện" này.

Trong dịp hè vừa qua, Phạm Ngọc Khánh (16 tuổi, Hai Bà Trưng – Hà Nội) được bố mẹ cho sang Campuchia chơi. Tại khu du lịch của đền Angkor, Khánh được chào mời mua móc khóa hình dương vật nam mà những người bán hàng ở đây gọi là Linga. Theo người bán thì đây là một món đồ may mắn, có tác dụng trừ tà và Linga là biểu tượng cho sức mạnh quyền lực của thần Shiva (một vị thần trong Hindu giáo) chứ không hề mang ý nghĩa dung tục.

“Ban đầu hơi ngại, sau em mua 5 cái, mỗi cái tính ra là 60.000 đồng tiền Việt, về tặng bạn thân mỗi đứa một cái, không ngờ bọn nó... rất kết”, Khánh kể. Theo Khánh, móc khóa Linga đơn giản chỉ là món quà mang đặc trưng về v hóa: “Lớp 9 bọn em đã được giảng về cơ quan sinh dục của nam, của nữ… trước đó em cũng đã biết qua những tài liệu trên mạng rồi, nếu không suy nghĩ xấu xa thì đây chỉ là chiếc móc khóa bình thường thôi”.

Ngọc Mai - người sở hữu chiếc móc khóa BCS - thẳng thắn: “Chiếc móc khóa này chẳng nói lên điều gì cả ngoài việc em sẵn sàng trao đổi về những vấn đề giới tính. Quan điểm của em là học xong lớp 12 mới nên có bạn trai còn… chuyện khác thì tính sau”.

Tuy nhiên, không phải ai cũng suy nghĩ thoáng về những phụ kiện nhạy cảm. Một học sinh dè dặt: “Em nghĩ, những bạn gái dùng chiếc móc khóa như vậy thường có ý khiêu khích chứ chẳng hiền lành gì đâu”. Ý kiến khác cũng tỏ ra đồng tình: “Những đứa trẻ có thể nhìn thấy hình thù kị dị như thế và đó không phải là một điều tốt đẹp, ngoài ra quan điểm khác nhau về những món đồ như thế này có thể gây phản ứng gay gắt giữa bố mẹ và con cái”.

Trao đổi với VTC News về mốt chơi "phụ kiện nhạy cảm" trên của giới trẻ hiện nay, bà Lê Thị Nhung (chuyên gia tư vấn của Tổng đài 1088 Hà Nội) nhận định: Về hiện tượng các bạn trẻ sử dụng BCS làm phụ kiện trang trí (móc khóa) không mới. Tôi được biết, một số chương trình tuyên truyền cho học sinh, sinh viên về quan hệ tình dục an toàn (QHTDAT) cũng đã sử dụng BCS để làm trang phục trình diễn, thế nên việc này cũng có mặt tích cực, góp phần tuyên truyền về việc QHTDAT theo hướng: giới trẻ cần biết tới BCS như là một phương tiện phòng tránh thai, tránh các bệnh lây lan qua đường tình dục.

Tuy nhiên, điều này cũng sẽ gây tác dụng ngược, kích thích tính dục nếu học sinh không có những kiến thức vững chắc về sức khỏe sinh sản và tình dục (SKSS & TD).

Ở Thái Lan gần với chúng ta hoặc phương Tây, kiến thức về giới tính được phổ biến và lắng nghe nhiều hơn. Còn tại Việt Nam, kiến thức về SKSS & TD vẫn chưa được giáo dục một cách đầy đủ ở cấp nhà trường, trong khi lứa tuổi 16 – 18 thường có nhu cầu tìm hiểu rất cao về tình dục nên đây cũng có thể là một trào lưu đáng lo ngại.

Các bạn gái sử dụng phụ kiện này (móc khóa BCS) hẳn là rất bạo dạn, vì có thể người khác sẽ đặt câu hỏi đôi khi không nghiêm túc để khơi gợi, trêu trọc: “Mua BCS để sẵn cho… anh à?”; “Sử dụng BCS như thế nào?”; “Dùng BCS… sướng hơn hay không dùng thì sướng hơn?”. Thế nên, vấn đề đáng lo ngại hay không liên quan đến kiến về SKSS&TD của các em học sinh. Các bậc cha mẹ khi thấy con sử dụng phụ kiện này cũng không nên gay gắt mà cần phải chia sẻ các kiến thức về QHTDAT với con mình.